Lâu nay, rêu đá chỉ được coi là một loại thủy sinh không nhiều tác
dụng. Nhưng đối với người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang tỉnh Hà Giang, thì
rêu đá được coi là đặc sản trong ẩm thực của họ.
Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.Theo người dân địa phương, khi đi tìm rêu, họ thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món.
Chị Hoàng Thị Cấp - Xã Xuân Giang, Quang Bình, Hà Giang cho biết: “Khi vớt, phải đứng ở dưới suối, nước cứ chảy từ trên xuống và lấy tay quơ ngang lấy, những cái nào non nhất thì mình cầm được còn cái già thì nó vẫn bám ở đá. Rêu chỉ sống trong 7 ngày, khi nó mọc lên 3 - 4 ngày là đi vớt được rồi, còn quá 7 ngày nó trở thành màu trắng bệch và không ăn được nữa”.
Rêu suối tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon rất ít và rêu ăn được có theo mùa, bởi vậy đối với bà con nơi đây rêu cũng là một món ăn quý. Rêu có thể được chế biến thành nhiều món như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.
Theo chị Hoàng Thị Cấp, sau khi xé tơi rêu thì trộn các gia vị như sả, lá mùi tàu, lá răm, lá hẹ và có thể cho 1-2 hạt dổi vào để cho thơm cùng với muối, mì chính, cần cái gì thì mình cho vào tùy theo khẩu vị của từng gia đình, sau khi trộn xong gói lá rồi nướng trên than bếp.
Khi nướng, người ta không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ có khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp. Rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích, mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét