Nếu một lần đến vùng đất bazan đất đỏ này, bạn sẽ có được những
khám phá tuyệt vời, và thầm nhủ "sẽ còn quay lại" bởi con người nơi đây,
cảnh đẹp nơi đây và cả những am thuc nơi đây kéo chân người.
Vít cần để chếnh choáng
Đến
với Hội làng nghề tiểu thủ công nghiệp (Công viên Lý Tự Trọng, TP.
Pleiku), ngoài những sản phẩm các mặt hàng thổ cẩm, điêu khắc, đan, dệt…
thì hẳn du khách sẽ chú ý tới những chiếc ghè to, nhỏ khác nhau được
đặt trang trọng ở các gian hàng của Hợp tác xã Thảo Nguyên (xã La Phìn,
huyện Chư Prông); xã Glar (huyện Đak Đoa) và một số gian hàng khác. Giá
cả dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Tùy theo từng nơi mà có những cách làm rượu cần khác nhau. Tuy vậy công thức chung thường là dùng cơm, bắp, khoai mì
nấu chín, giã nát và trộn với men, sau đó đem chôn xuống đất và không
bao giờ lấy lên trước khi đủ 100 ngày (nếu ủ chôn càng lâu rượu sẽ càng
ngon). Song, mỗi nơi, rượu cần có mỗi vị ngon khác nhau, bí mật chính là
loại men mà người làm rượu dùng (bí mật này thường không được tiết lộ
cho người lạ).
Bên ánh lửa bập bùng, xung quanh là đêm tối đầy bí
ẩn của đại ngàn, hòa trong tiếng chiêng cồng ngân xa vang vọng, đàn ông
đàn bà cứ vít cần, vít cần… chếnh choáng, thắt chặt những vòng xoang.
Một nét văn hóa ẩm thực
Đó là cơm lam, thịt nướng ống. Món ăn
này gần như hết sớm nhất tại Làng ẩm thực - theo lời một nhân viên của
Công viên Diên Hồng, dù giá không hề rẻ: 15.000 đồng/ống. Món này hết
sớm nhất bởi đó chính là một phần tinh túy trong văn hóa ẩm thực Tây
Nguyên nói chung, Gia Lai
nói riêng. Theo nhà thơ Văn Công Hùng: “Thật ra cơm lam là cách gọi của
đồng bào miền núi phía Bắc và sau này người Kinh áp dụng vào chứ đối
với đồng bào Tây Nguyên, nó đơn giản chỉ là cơm nướng ống. Có lẽ xuất xứ
của nó từ thời chưa có công cụ sắt đồng, dân làng dùng ống lồ ô thay
nồi, cho nên không chỉ cơm nướng trong ống mà thịt cũng nướng ống, canh
cũng nấu trong ống...”.
Cách làm cơm lam cũng khá đơn giản, nhưng
không phải nơi nào cũng làm được, bởi ngoài gạo ngâm dùng để nấu thì
nguyên liệu chính để cho ra được cơm lam chính là ống lồ ô. Để ống cơm
được thơm dẻo, người ta phải chọn ống lồ ô “đúng tuổi” mới có nước ngọt
bên trong. Theo phong tục của người Jrai, khi nguyên liệu đã được cho
vào ống, người ta đem vùi ống vào tro, bên trên là lớp than hồng đỏ rực,
canh tới khi lớp vỏ ngoài của ống lồ ô bắt đầu sem sém là được. Yêu cầu
của một ống cơm lam ngon là khi tước một vạt của ống lồ ô ra, lập tức
bên trong sẽ tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt của gạo dẻo, mùi ngòn ngọt
của nứa tươi và cả mùi thanh thanh của lá chuối… Chính nước ngọt trong
ống lồ ô kết hợp với gạo nếp dẻo và những giọt nước suối trong vắt sẽ
tạo cho cơm lam một hương vị vừa chân chất, mộc mạc nhưng không kém phần
tinh tế. Cơm lam thường được dùng chung với gà nướng, muối ớt giã với lá é.
Là
một món quen thuộc của cư dân bản địa, nhưng với du khách từ phương xa,
cơm lam chính là sự khám phá tuyệt vời mà khi đã rời khỏi mảnh đất
bazan đầy nắng và gió này, người ta vẫn còn luyến tiếc và thầm dự định
trong đầu “sẽ còn quay lại”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét