Món ăn bổ dưỡng, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và ít béo với
nhiều sự lựa chọn khác nhau sẽ luôn là sự lựa chọn cho những ai muốn
thưởng thức một món ăn có hương vị lạ, vừa ngon và hấp dẫn. Đó cũng là
tiêu chí ẩm thực mà món ăn này mang lại.
Gỏi nhệch là một trong những đặc sản có vị béo, ngọt, bùi, nồng. Đây là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người.
Xuất
xứ là một món ăn nổi tiếng tại vùng biển Nga Sơn, Thanh Hóa, nơi vùng
khoáng chất của nước biển phù hợp với điều kiện sống đặc biệt của cá
nhệch. Đây là một loài hải sản sống hoàn toàn tự nhiên, có màu sắc và
hình dáng tựa như lươn nước ngọt nhưng dài hơn một chút. Chúng thường
vùi mình trong cát, khi nước triều xuống để lại dấu vết, gọi là các hút.
Cá nhệch dùng làm gỏi ngon vì xương mềm, thịt giòn mịn và ngọt, có thể
chế biến thành nhiều món như: kho, rán, nấu canh… nhưng làm gỏi vẫn là món ăn ưa chuộng và độc đáo.
Chế
biến gỏi nhệch là một nghệ thuật, mà cách ăn gỏi nhệch cũng là một nghệ
thuật tỉ mỉ không kém. Sau khi bắt cá về, làm sạch lột sạch da, lọc
xương. Thịt cá sẽ được thái lát mỏng ướp với nước riềng và tẩm ướp gia vị
theo công thức đặc biệt, sau đó trộn với thính. Thính được làm từ gạo
nếp rang giã nhỏ mới có mùi thơm và bùi. Khâu lột da và thái thịt cá để
trộn thính cần phải làm nhanh tay và hoàn toàn làm khô, không được để
dính nước, bởi khâu này quyết định món gỏi cá có thành công hay không.
Món
gỏi nhệch ngon một phần nhờ nước chấm. Chế biến món chẻo là một bí
quyểt gia truyền vì rất cầu kỳ và công phu, nếu không biết chế biến thì
chẻo sẽ bị tanh và khô, chẻo ngon phải có màu đỏ sậm, đặc sánh, thơm mùi
gia vị, nước chẻo bám đều vào thịt cá.
Món gỏi nhệch được hoàn
tất và bày ra mâm chỉ đợi người thưởng thức. Gỏi được ăn kèm với bánh đa
vừng, hoặc cơm cháy, cùng khoảng 15 loại rau và lá thuốc kết hợp tạo
nên hương vị riêng của món như: lá vọng cách, cúc tần, riếp cá, mùi tàu,
đinh lăng, xương xông, lộc vừng, rau húng... cuốn cùng gỏi nhệch.
Gỏi
cá nhệch có mùi vị thơm ngon đặc trưng. Món có vị bùi, thơm, mát, cay
của rau; rồi đến vị ngọt, béo, bùi ngậy của chẻo; vị mằn mặn vừa phải
của mắm tôm, cay nồng, thơm, nóng của riềng, của ớt, của sả. Ngoài ra,
món còn có sự kết hợp của vị bánh đa bùi giòn tan và cuối cùng là vị ngọt, dai mà giòn giòn của nhệch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét