Quán bún tôm trên phố Nam Đồng được
nhiều thực khách sành ăn truyền tai nhau như một địa chỉ “ruột” dành cho
những ai lỡ mê ẩm thực xứ chùa vàng. Bản thân chủ quán, cũng vì niềm
yêu thích đặc biệt với món ăn này mới nảy ra ý định kinh doanh.
Ở Hà Nội, không cần tới nhà hàng sang trọng, bạn vẫn có thể thưởng thức món bún tôm Thái với vị chua chua, cay cay đặc trưng của Tom Yum ở Nam Đồng.
Cô chia sẻ mình đã sang Thái Lan du lịch nhiều lần và lần nào cũng bị món bún Tom Yum “hớp hồn”. Được một số đầu bếp Thái Lan chỉ cho bí quyết, cộng với kinh nghiệm nấu ăn của riêng mình, cô mày mò nấu bún tôm và quyết định kinh doanh để chia sẻ niềm vui ẩm thực với nhiều người.
Ở Hà Nội, ai đó có điều kiện vào các nhà hàng chuyên món Á chắc đã được nếm qua; còn với phần đông thực khách, bún Tom Yum vẫn còn lạ lẫm: bí ẩn và độc đáo. Nó có vị chua đấy, nhưng không chua kiểu bún sườn, bún riêu, không chua bằng giấm bỗng, cà chua, me hay sấu. Nó có vị đặc trưng của thủy sản đấy, nhưng không phải kiểu tanh của bún ốc, bún cá hay lươn. Nó có cay đấy, mà cũng chẳng phải cay giống bún bò Huế.
Bún Tom Yum một mình một kiểu, nếm qua vẫn thấy gần gũi, như thể rất nhiều món bún ta đã từng ăn, nhưng rồi nhấm nháp chầm chậm, lại thấy nó có mùi phương xa. Ấy là bởi thứ nước dùng ngọt thanh, hơi ngả vị chua đặc trưng của bún Thái cũng được làm từ nước hầm xương, nước luộc tôm, nấm đông cô, nhưng nó còn nồng nàn hương lá chanh Thái và gia vị Tom Yum chính hiệu.
Để làm ra nước dùng ngon và đúng bản sắc bún Tom Yum, chủ quán phải chọn mua các gia vị đặc trưng ở các cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan, nếu không thì nhờ người quen khi đi du lịch mang thẳng từ Thái về. “Chưa nói đến các gia vị độc đáo mà ở ta không có, ngay đến lá chanh tôi cũng phải mua lá chanh của Thái; vì nó thơm, dậy mùi và làm nên đúng vị.”
Để phù hợp hơn với khẩu vị người miền Bắc, chủ quán còn gia giảm thêm chút nấm đông cô vào tô bún. Khúc biến tấu này làm món ăn thú vị và gần gũi hơn.
Nếu như ở Sài Gòn, một tô bún Tom Yum thường đậm đặc hương vị hải sản với các nguyên liệu như tôm sú, mực ống, cá lóc, thịt cua, có nơi còn cho thêm thịt ngao… thì bún Tom Yum ở Hà Nội có phần thanh đạm hơn. Nước dùng ở đây được pha chế nhẹ, thanh, không nồng vị sả hay cay xé lưỡi.
Tôm, nguyên liệu quan trọng nhất, đương nhiên không thể vắng mặt, một thanh cua, ít thịt bò chần tái và rau muống chẻ, giá, mùi tàu thái nhuyễn, thêm nước dùng chua cay nóng hổi nữa là món ăn đến từ xứ sở chùa Vàng đã sẵn sàng để bạn thưởng thức.
Vị ngọt đậm, hơi nồng và sự pha trộn các trải nghiệm vị giác khác nhau như vị mềm bở của cá, vị giòn sần sật của mực trong món bún Tom Yum được làm kiểu Sài Gòn sẽ vắng bóng trong tô bún ở Nam Đồng. Nhưng bù lại, thực khách nơi đây được nếm vị ngậy của tôm luộc vừa chín tới và thích thú với vị sần sật của thanh cua quyện với vị thịt bò trong nước dùng được pha chế vừa vặn.
Để tôm giữ được vị ngọt tự nhiên, tôm được chọn là loại vỏ mỏng tang, chỉ lột bỏ phần đầu tôm. Dưới lớp vỏ, những thớ thịt tôm săn lại, đỏ hồng, chỉ trông qua đã thấy hấp dẫn.
Cua được dùng ở đây không phải là thịt cua sống mà là các thanh cua chế biến sẵn - nửa đỏ au, nửa trắng nõn nà - được cẩn trọng luộc lại trong nước dùng để hương vị Tom Yum thấm sâu vào từng thớ cua, nên khi ăn, cảm giác “công nghiệp” sẽ bị lấn át.
Những biến tấu ấy quyện rất “tròn” với vị chua thanh thoát và chút cay nồng đặc trưng của gia vị Thái Lan làm ấm lòng thực khách những ngày mùa đông. Nếu mê cái nồng nàn của sả, của ớt, bạn sẽ thấy nước dùng ở đây chưa đủ “đô”, và hãy tự nêm cho mình chút sa tế do chủ quán tự làm. Với 30.000 – 35.000 đồng, tô bún Tom Yum ở đây khá đầy đặn, ăn một tô có thể no căng bụng được.
Phố Nam Đồng có khá nhiều quán ăn các loại, mặt bằng của quán bún Tom Yum lại không lớn lắm, nếu không chú ý, bạn có thể đi qua quán lúc nào không hay. Một điểm cần lưu ý nữa là quán mở từ 7 giờ sáng đến trưa, và từ 17 giờ - 21 giờ tối, nên nếu bạn đi “lùng” bún Thái vào khung giờ lửng lơ, bạn sẽ vuột mất cơ hội thưởng thức đặc sản này đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét